Chuyển nhượng quyền sử dụng đất lập vi bằng có giá trị pháp lý?

0
1362
Luật Hà Việt

Câu hỏi: Hiện tại tôi muốn mua đất một mảnh đất, phía bên người bán có nói đất chưa có sổ đỏ mà khi mua họ sẽ thuê thừa phát lại đến lập vi bằng cho tôi. Xin hỏi việc lập vi bằng đất đai có giá trị pháp lý không ?

Xin cảm ơn !

Trả lời:

Luật Hà Việt xin kính chào Quý khách hàng. Trân trọng cảm ơn Quý khách hàng đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc nêu trên của Quý khách hàng, chúng tôi xin đưa ra một số ý kiến tư vấn như sau :

Trước hết về khái niệm và ý nghĩa của lập vi bằng :

Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác (Khoản 3, điều 2, Nghị định 135/2013/NĐ-CP).

Hay nói theo cách hiểu thực tế thì Vi bằng là một tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu cần thiết). Trong tài liệu đó, Thừa phát lại sẽ mô tả, ghi nhận lại hành vi, sự kiện lập vi bằng mà đích thân Thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Tài liệu này có giá trị chứng cứ trước Tòa án nếu các bên có phát sinh tranh chấp liên quan đến sự kiện, hành vi lập vi bằng.

Tiếp theo về quy định hình thức văn bản giao dịch chuyển nhượng đất đai.

Khoản 3 Điều 167 Luật đất đai năm 2013 quy định:

“Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản thì được công chứng, chứng thực theo yêu cầu của các bên”

Hiện nay, đối với việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nói riêng và chuyển nhượng bất động sản nói chung, pháp luật Việt Nam chưa thừa nhận giá trị pháp lý của bất kỳ hình thức hợp đồng chuyển nhượng nào được lập mà không được công chứng, chứng thực. Công chứng, chứng thực là điều kiện tiên quyết về mặt hình thức để một giao dịch về chuyển nhượng bất động sản có hiệu lực, ngoại trừ trường hợp một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản như quy định ở trên.

Vì vậy, đối với hợp đồng chuyển nhượng được thừa phát lại lập vi bằng chưa đáp ứng đủ điều kiện về hình thức theo quy định của pháp luật. Hệ quả, hợp đồng này có thể bị tòa án tuyên vô hiệu do vi phạm về hình thức luật định. Hơn nữa, với việc lập hợp đồng được chứng nhận bởi thừa phát lại, sau này cũng không thể thực hiện các thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận đứng tên chủ sử dụng thửa đất.

Hy vọng những ý kiến tư vấn trên đây của chúng tôi sẽ hữu ích với Quý công ty/khách hàng. Mọi ý kiến thắc mắc khác hoặc yêu cầu tư vấn chuyên sâu xin quý công ty/khách hàng vui lòng gửi về địa chỉ:

–        Email: tuvan.luathaviet@gmail.comhoặc

–        Hotline: 0944.52.9339/ 024.6281.0636

Trân trọng!

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here