Đề nghị ngân hàng cơ cấu lại khoản nợ và giảm lãi suất do Covid-19 có được không?

Câu hỏi: Công ty chúng tôi là CĐT dự án bất động sản. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, các chuyên gia của nhà thầu nước ngoài đã về nước, chúng tôi phải ngừng việc xây dựng và tiến độ thi công xây dựng bị đình trệ. Bên cạnh đó, việc bán hàng trong giai đoạn này là vô cùng khó khăn, doanh thu sụt giảm. Do vậy, chúng tôi có thể căn cứ vào các quy định pháp luật nào để đề nghị ngân hàng (VPBank) cơ cấu lại khoản nợ theo hợp đồng tín dụng và giảm lãi suất được không?

0
1560

Câu hỏi: Công ty chúng tôi là CĐT dự án bất động sản. Do tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp, các chuyên gia của nhà thầu nước ngoài đã về nước, chúng tôi phải ngừng việc xây dựng và tiến độ thi công xây dựng bị đình trệ. Bên cạnh đó, việc bán hàng trong giai đoạn này là vô cùng khó khăn, doanh thu sụt giảm. Do vậy, chúng tôi có thể căn cứ vào các quy định pháp luật nào để đề nghị ngân hàng (VPBank) cơ cấu lại khoản nợ theo hợp đồng tín dụng và giảm lãi suất được không?

Trả lời:

Công ty Luật TNHH Hà Việt xin gửi tới Quý Công ty lời chào trân trọng!

Liên quan đến một số nội dung đề nghị tư vấn của Quý khách, Bộ phận pháp lý dự án Luật Hà Việt xin đưa ra ý kiến tư vấn như sau:

Ngày 13/03/2020, Ngân Hàng Nhà Nước đã ban hành Thông tư 01/2020/NHNN nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19. Theo Điều 3 của Thông tư:

“Điều 3. Áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan

Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thực hiện theo quy định tại Thông tư này; các nội dung liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, phân loại nợ không quy định tại Thông tư này thực hiện theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.”

Như vậy, ngoài việc xem xét các quy định pháp luật về cơ cấu lại khoản nợ và giảm lãi suất theo Thông tư 01/2020/NHNN, đối với các nội dung không quy định tại Thông tư thì phải xem xét các quy định của pháp luật hiện hành để đánh giá.

Quy định về cơ cấu lại khoản nợ

Theo Điều 4 của Thông tư 01/2020/TT-NHNN:

“Điều 4. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ

1. Nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ là số dư nợ gốc và/hoặc lãi (bao gồm cả số dư nợ của các khoản nợ thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (đã được sửa đổi, bổ sung)) đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Phát sinh từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính;

b) Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19;

c) Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

2. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

a) Số dư nợ còn trong hạn hoặc quá hạn đến 10 (mười) ngày kể từ ngày đến hạn thanh toán, thời hạn trả nợ theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký;

b) Số dư nợ đã quá hạn (trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này) trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ quy định tại khoản 1, 2 Điều này trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về khả năng trả nợ đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi của khách hàng sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, phù hợp mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đảm bảo các yêu cầu sau đây:

a) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vi phạm quy định pháp luật.

b) Thời gian cơ cấu lại trong trường hợp kéo dài thêm một khoảng thời gian trả nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn cho vay, cho thuê tài chính (thời điểm khách hàng phải trả hết toàn bộ nợ gốc và lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký).

Bên cạnh đó, Điều 19 của Thông tư 39/2016/TT-NHNN cũng quy định:

“Điều 19. Cơ cấu lại thời hạn trả nợ

Tổ chức tín dụng xem xét quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng, khả năng tài chính của tổ chức tín dụng và kết quả đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng, như sau:

1. Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo kỳ hạn trả nợ được điều chỉnh, thì tổ chức tín dụng xem xét điều chỉnh kỳ hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đó phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng; thời hạn cho vay không thay đổi.

2. Khách hàng không có khả năng trả hết nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay trong một khoảng thời gian nhất định sau thời hạn cho vay, thì tổ chức tín dụng xem xét cho gia hạn nợ với thời hạn phù hợp với nguồn trả nợ của khách hàng…”

Theo các quy định trên, có thể tóm tắt các điều kiện để cơ cấu lại khoản nợ của Qúy Công ty như sau:

  • Khoản nợ đáp ứng các điều kiện của Khoản 1, Điều 4 của Thông tư 01/2020/TT-NHNN và không phải là khoản nợ vi phạm pháp luật;
  • Số dư nợ phát sinh trong thời hạn theo Khoản 2, Điều 4 của Thông tư 01/2020/TT-NHNN;
  • Công ty có đề nghị cơ cấu lại khoản nợ;
  • Ngân hàng đánh giá Công ty có khả năng trả đầy đủ khoản nợ sau khi được cơ cấu lại;
  • Thời gian cơ cấu lại không quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng phải trả nợ.

Như vậy, trường hợp khoản nợ của Công ty có đủ các điều kiện để được cơ cấu nhưng vẫn phụ thuộc vào điều kiện còn lại là quyết định của ngân hàng về việc đánh giá khả năng trả đầy đủ khoản nợ sau khi được cơ cấu lại.

Quy định về giảm lãi suất

Theo Điều 5 của Thông tư 01/2020/NHNN:

“Điều 5. Miễn, giảm lãi, phí

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 03 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 và khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.”

Theo Điều 21 của Thông tư 39/2016/TT-NHNN:

Điều 21. Chấm dứt cho vay, xử lý nợ, miễn, giảm lãi tiền vay, phí

…4. Tổ chức tín dụng có quyền quyết định miễn, giảm lãi tiền vay, phí cho khách hàng theo quy định nội bộ của tổ chức tín dụng.”

Bên cạnh đó, để phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính quốc tế và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 17/03/2020. Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ có duy nhất Quyết định số 420/QĐ-NHNN điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn của các tổ chức tín dụng. Cụ thể, theo Điều 1 của Quyết định 420/QĐ-NHNN:

“Điều 1. Mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam theo quy định tại Khoản 2, Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 như sau:

1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô) áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 5,5%/năm.”

Theo Khoản 2, Điều 13 của Thông tư 29/2016/TT-NHNN, Công ty không thuộc trường hợp được hỗ trợ điều chỉnh giảm lãi suất.

Ngoài ra, theo mục V của Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 31/03/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các giải pháp cấp bách của ngành ngân hàng nhằm tăng cường phòng, chống và khắc phục khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid-19 :

“V. ĐỐI VỚI CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG

3. Khẩn trương ban hành và triển khai quy định nội bộ hướng dẫn Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của NHNN. Chủ tịch Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị/Tổng giám đốc các TCTD trực tiếp chỉ đạo việc triển khai công tác cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch và chịu trách nhiệm trước Thống đốc NHNN về kết quả thực hiện. Xử lý nghiêm những đơn vị, cán bộ lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ triển khai chậm, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng quy định trong quá trình thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.”

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận thông tin VPBank triển khai quy chế nội bộ hướng dẫn thông tư 01/2020/TT-NHNN. Theo các thông cáo báo chí của VPBank, cho đến thời điểm hiện tại, Ngân hàng đang áp dụng mức hỗ trợ giảm lãi suất đến 2% cho các doanh nghiệp đáp ứng một số yêu cầu như: Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, phương tiện vận tải; có hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, châu Âu chiếm tối thiểu 50% doanh thu của doanh nghiệp trong năm 2019; có nguồn nguyên liệu chiếm tối thiểu 50% từ thị trường Trung Quốc, Mỹ, châu Âu; cũng như gặp khó khăn trong vấn đề trả nợ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo đánh giá của đơn vị kinh doanh.

Như vậy, mặc dù Công ty có thu nhập bị giảm sút do Covid-19 và dư nợ phát sinh trong khoảng thời gian được giảm lãi suất nhưng việc đề nghị VPBank điều chỉnh giảm lãi suất còn phụ thuộc vào quy định nội bộ của VPBank.

Từ các căn cứ nêu trên, Qúy Công ty có thể gửi công văn đến VPBank đề nghị ngân hàng thực hiện giãn nợ và giảm lãi suất đối với khoản vay theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng. Tuy nhiên, việc chấp thuận đề nghị của Qúy Công ty hay không phụ thuộc vào việc đánh giá từ phía ngân hàng về khả năng trả nợ trong trường hợp được cơ cấu lại và quy chế nội bộ của ngân hàng về việc giảm lãi suất cho vay do Covid-19.

Trên đây là ý kiến pháp lý của Luật Hà Việt và đội ngũ Pháp lý dự án liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Công ty.

Trường hợp có ý kiến thắc mắc, yêu cầu tư vấn chuyên sâu hoặc yêu cầu hỗ trợ pháp lý khác, Quý khách hàng vui lòng gửi về địa chỉ:

  • Email: phaplyduan@luathaviet.com hoặc
  • SĐT: 024 6281 0636/0901.386.55

Xin chân thành cảm ơn!


BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here