Câu hỏi:
Kính chào Luật Hà Việt và Luật sư pháp lý dự án. Tôi đang chuẩn bị mua một căn hộ chủ đầu tư xây dựng sắp hoàn thành. Do thiếu tiền tôi dự kiến sẽ vay ngân hàng và thế chấp bằng căn hộ đó luôn. Nhưng tôi được biết hiện dự án đó đang thế chấp ở ngân hàng, cán bộ ngân hàng nói căn hộ của tôi mua không đủ điều kiện thế chấp theo quy định nhà ở hình thành trong tương lai. Khi tôi tiếp xúc các ngân hàng khác và xem lại luật thì được tư vấn là vẫn thế chấp được nhưng thế chấp bằng quyền phát sinh từ hợp đồng mua bán.
Như vậy cho tôi hỏi, việc chủ đầu tư làm như vậy có sai quy định không? việc tôi mua và thế chấp có rủi ro gì không? ngân hàng làm như vậy có chính xác không?
Trả lời:
Luật Hà Việt xin kính chào Quý khách hàng. Trân trọng cảm ơn Quý khách hàng đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc nêu trên của Quý khách hàng, chúng tôi xin đưa ra một số ý kiến tư vấn như sau:
Thứ nhất, về việc chủ đầu tư thế chấp dự án nhà ở, theo điều 147, Luật nhà ở 2014 quy định:
– Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án tại tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để vay vốn cho việc đầu tư dự án hoặc xây dựng nhà ở đó;
– Trường hợp chủ đầu tư đã thế chấp nhà ở mà có nhu cầu huy động vốn góp để phân chia nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở hoặc có nhu cầu bán, cho thuê mua nhà ở đó thì phải giải chấp nhà ở này trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng, trừ trường hợp được bên góp vốn, bên mua, thuê mua nhà ở và bên nhận thế chấp đồng ý;
– Việc xác định nhà ở đã được giải chấp trước khi ký hợp đồng huy động vốn góp, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở với khách hàng theo quy định tại khoản này được nêu rõ trong văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh nơi có nhà ở.
Do đó việc chủ đầu tư thế chấp dự án là có cơ sở, và Qúy khách không thể thế chấp theo quy định nhà ở hình thành trong tương lai như ngân hàng đã tư vấn. Trường hợp Quý khách vấn muốn mua ngôi nhà trên khi mà chủ đầu tư chưa giải chấp thì ngôi nhà chưa thể được cấp chủ quyền hoặc nếu chủ đầu tư bị phá sản thì ngôi nhà đó xem như là của ngân hàng.
Về vấn đề thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà.
Tài sản thế chấp được xử lý khi nhà ở chưa hình thành, các bên có thể thỏa thuận xử lý theo phương thức chuyển giao hợp đồng mua bán từ bên thế chấp sang chủ thể mới. Thông tư liên tịch số 16/2014/TTLT-BTP-BTNMT-NHNN ngày 16/6/2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn một số vấn đề về xử lý tài sản bảo đảm chỉ quy định xử lý quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở giống như xử lý thế chấp quyền đòi nợ (khoản 5 Điều 7); khi nhà ở đã hình thành thì tài sản thế chấp không thể xử lý được vì đối tượng thế chấp là quyền (quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở nay đã chấm dứt vì một trong các căn cứ chấm dứt hợp đồng chấm dứt là khi các bên đã hoàn thành nghĩa vụ trong hợp đồng mua bán), trừ khi các bên thỏa thuận sửa đổi hoặc ký mới lại hợp đồng thế chấp. Pháp luật hiện hành không cấm việc thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai nhưng với những rủi ro nhận thấy, việc Quý khách được tổ chức tín dụng chấp thuận thế chấp cần phải cân nhắc rất kỹ lưỡng.
Hy vọng những ý kiến tư vấn trên đây của chúng tôi sẽ hữu ích với Quý công ty/khách hàng. Mọi ý kiến thắc mắc khác hoặc yêu cầu tư vấn chuyên sâu xin quý công ty/khách hàng vui lòng gửi về địa chỉ:
– Email: tuvan.luathaviet@gmail.comhoặc
– Hotline: 0944.52.9339/ 024.6281.0636
Trân trọng