Chủ đầu tư lập báo cáo đánh giá tác động môi trường thời điểm nào?

0
1503
Luật Hà Việt

Câu hỏi:

Công ty tôi đang chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ để xin phép xây dựng một tòa nhà chug cư 26 tầng. Trong quá trình làm hồ sơ chúng tôi được biết mình thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Vậy, luật sư cho tôi hỏi những quy định của pháp luật về việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường? Chúng tôi phải làm báo cáo trong giai đoạn nào của dự án xây dựng?

Trả lời:

Luật Hà Việt xin kính chào Quý khách hàng. Trân trọng cảm ơn Quý khách hàng đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Liên quan đến vấn đề thắc mắc nêu trên của Quý khách hàng, Luật Hà Việt đưa ra một số ý kiến tư vấn mang tính tham khảo như sau:

  1. Căn cứ pháp lý
  • Luật bảo vệ môi trường 2014
  • Nghị định 18/2015/NĐ-CP
  1. Nội dung tư vấn

Khoản 23 Điều 3 Luật bảo vệ môi trường 2014 quy định như sau: “Báo cáo Đánh giá tác động môi trường ĐTM (tiếng Anh là EIA) là việc phân tích, dự báo các tác động của dự án đầu tư đến môi trường để đưa ra biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó”.

Theo Phụ lục II Nghị định số 18/2015/NĐ-CP về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường, tòa nhà chung cư trên 260 căn hộ thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Khoản 1, 2 Điều 19 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014: “Chủ dự án thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 18 của Luật này tự mình hoặc thuê tổ chức tư vấn thực hiện đánh giá tác động môi trường và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thực hiện đánh giá tác động môi trường. Việc đánh giá tác động môi trường phải thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án.”

Như vậy, Quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị dự án.

Việc lập ĐTM được quy định từ Điều 21-28 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 như sau:

Tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường

  1. Tham vấn trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường nhằm hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, hạn chế thấp nhất các tác động xấu đến môi trường và con người, bảo đảm sự phát triển bền vững của dự án.
  2. Chủ dự án phải tổ chức tham vấn cơ quan, tổ chức, cộng đồng chịu tác động trực tiếp bởi dự án.
  3. Các dự án không phải thực hiện tham vấn gồm:

a) Phù hợp với quy hoạch của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho giai đoạn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng;

b) Thuộc danh mục bí mật nhà nước.

Nội dung chính của báo cáo đánh giá tác động môi trường

  1. Xuất xứ của dự án, chủ dự án, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án; phương pháp đánh giá tác động môi trường.
  2. Đánh giá việc lựa chọn công nghệ, hạng mục công trình và các hoạt động của dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.
  3. Đánh giá hiện trạng môi trường tự nhiên, kinh tế – xã hội nơi thực hiện dự án, vùng lân cận và thuyết minh sự phù hợp của địa điểm lựa chọn thực hiện dự án.
  4. Đánh giá, dự báo các nguồn thải và tác động của dự án đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
  5. Đánh giá, dự báo, xác định biện pháp quản lý rủi ro của dự án đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
  6. Biện pháp xử lý chất thải.
  7. Các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.
  8. Kết quả tham vấn.
  9. Chương trình quản lý và giám sát môi trường.
  10. Dự toán kinh phí xây dựng công trình bảo vệ môi trường và thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường.
  11. Phương án tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường.

Thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường

  1. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án sau:

a) Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

b) Dự án liên ngành, liên tỉnh thuộc đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 18 của Luật này, trừ dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh;

c) Dự án do Chính phủ giao thẩm định.

Bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt đầu tư của mình nhưng không thuộc đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này.

  1. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt đầu tư của mình và các dự án thuộc bí mật quốc phòng, an ninh.
  2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư trên địa bàn không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường

  1. Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan được giao thẩm định tổ chức việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thông qua hội đồng thẩm định hoặc thông qua việc lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định.
  2. Thành viên hội đồng thẩm định và cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến của mình.
  3. Trường hợp cần thiết, cơ quan thẩm định tổ chức khảo sát thực tế, lấy ý kiến phản biện của cơ quan, tổ chức và chuyên gia để thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
  4. Trong thời gian thẩm định, trường hợp có yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung, cơ quan thẩm định có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ dự án để thực hiện.

Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường

  1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được chỉnh sửa theo yêu cầu của cơ quan thẩm định, thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan thẩm định có trách nhiệm phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; trường hợp không phê duyệt phải trả lời cho chủ dự án bằng văn bản và nêu rõ lý do.
  2. Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền thực hiện các việc sau:

a) Quyết định chủ trương đầu tư dự án đối với các đối tượng quy định tại Điều 18 của Luật này trong trường hợp pháp luật quy định dự án phải quyết định chủ trương đầu tư;

b) Cấp, điều chỉnh giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản đối với dự án thăm dò, khai thác khoáng sản;

c) Phê duyệt kế hoạch thăm dò, kế hoạch phát triển mỏ đối với dự án thăm dò, khai thác dầu khí;

d) Cấp, điều chỉnh giấy phép xây dựng đối với dự án có hạng mục xây dựng công trình thuộc đối tượng phải có giấy phép xây dựng;

đ) Cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án không thuộc đối tượng quy định tại các điểm a, b, c và d khoản này.

Trách nhiệm của chủ đầu tư dự án sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt

  1. Thực hiện các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
  2. Trường hợp thay đổi quy mô, công suất, công nghệ làm tăng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt nhưng chưa đến mức phải lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 20 của Luật này, chủ đầu tư dự án phải giải trình với cơ quan phê duyệt và chỉ được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Trách nhiệm của chủ đầu tư trước khi đưa dự án vào vận hành

  1. Tổ chức thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
  2. Phải báo cáo cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kết quả thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ vận hành dự án đối với dự án lớn, có nguy cơ tác động xấu đến môi trường do Chính phủ quy định. Những dự án này chỉ được vận hành sau khi cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

Trách nhiệm của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường

  1. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thẩm định và quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
  2. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của chủ đầu tư dự án được quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật này, cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường phải tổ chức kiểm tra và cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của dự án. Trường hợp phải phân tích các chỉ tiêu môi trường phức tạp thì thời gian cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường của dự án có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

Hy vọng những ý kiến trên đây của chúng tôi sẽ hữu ích với Quý công ty/khách hàng. Mọi ý kiến thắc mắc khác hoặc yêu cầu tư vấn chuyên sâu xin quý công ty/khách hàng vui lòng gửi về địa chỉ:

–         Email: havietlawfirm@gmail.com hoặc

–         Hotline: 0944.529.339/ 024.6281.0636

Trân trọng!

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here